Bệnh mắt lác là gì? Những điều cần biết về bệnh mắt lác

Bệnh mắt lác là gì? Những điều cần biết về bệnh mắt lác

Bệnh mắt lác là gì? Những điều cần biết về bệnh mắt lác

Theo khảo sát của Bộ Y tế, ở Việt Nam có 2 - 3 triệu người bị mắt lác (mắt lé). Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến thị lực và gây cho người bệnh tâm lý tự ti do ảnh hưởng đến thẩm mỹ mắt. Bệnh mắt lác có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cũng như được chia thành nhiều dạng khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Bệnh Viện Đa Khoa mắt Sài Gòn tìm hiểu những thông tin cần biết về căn bệnh này nhé.

1. Bệnh mắt lác (mắt lé) là gì

Mắt lác hoặc mắt lé (Strabismus) là một tật ở mắt, cụ thể là 2 mắt của người bệnh không nhìn cùng 1 hướng vào vật thể từng lúc hay thường xuyên. Nói cách khác, 2 mắt có sự không liên kết và làm việc cùng với nhau.

Mắt vận động được nhờ 6 cơ ngoại nhãn, trong đó có 4 cơ thẳng (cơ trực trên, cơ trực dưới, cơ trực trong, cơ trực ngoài) và 2 cơ chéo (cơ chéo lớn, cơ chéo bé). Khi mắt bị lé thì 2 mắt sẽ không thể đồng thời nhìn vào một điểm, bởi các nhóm cơ không phối hợp nhịp nhàng.

Ở mắt bình thường, khi 2 mắt cùng nhìn vào một vật, thì vỏ não sẽ tổng hợp lại hình ảnh thu được ở 2 mắt thành một ảnh duy nhất là ảnh 3 chiều. Lé xảy ra ở trẻ nhỏ (lé bẩm sinh) não bộ chọn lọc loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch, chỉ lấy hình ảnh của mắt ưu thế (nhìn rõ hơn). Tình trạng này xuất hiện ở trẻ càng nhỏ khi hệ thống thị giác đang hình thành và hoàn thiện (3 tháng đến 8 tuổi) trẻ sẽ bị mất dần thị lực, chức năng thị giác 2 mắt, dẫn đến nhược thị ở các mức độ khác nhau.

Có 2 loại lác mắt:

  • Lác cơ năng (lác đồng hành): là tình trạng mắt lé giống nhau ở các hướng nhìn (cùng độ lé). Loại này thường gặp ở trẻ em.
  • Lác liệt (lác bất đồng hành): là tình trạng cơ vận nhãn bị liệt từ đó làm hạn chế vận động của nhãn cầu gây độ lé khác nhau ở các hướng nhìn khác nhau, thường gặp ở người lớn.

Tùy nguyên nhân và loại mắt lé có thể xuất hiện theo nhiều hình thái lé khác nhau (lé trong, lé ngoài, lé đứng, lé kết hợp). Bệnh lé có thể xuất hiện ở 1 bên mắt hoặc cả 2. Ở trẻ em, nếu không chữa trị kịp thời thì bên mắt bị lé sẽ yếu dần và mất thị lực, (do não bộ chỉ nhận được tín hiệu đến từ bên mắt bình thường).

2. Phân loại mắt lé thường gặp

Bệnh mắt lé được chia thành các dạng lé với cách nhận biết như sau:

1/ Lé trong (Esotropia): Mắt nhìn hướng vào trong

2/ Lé ngoài (Exotropia): Mắt nhìn hướng ra ngoài

3/ Lé đứng: Mắt nhìn xuống dưới (Hypotropia) hoặc lên trên (Hypertropia)

>>>> Xem thêm: Phân biệt mắt lác và nhược thị

3. Các nguyên nhân gây mắt lác

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh mắt lác, đó có thể là mắt lác bẩm sinh hoặc đến từ các nguyên nhân khác. Cụ thể như sau:

Mắt lác bẩm sinh

Đây là tình trạng trẻ mới sinh ra đã bị lác mắt hoặc có biểu hiện lác mắt trong vòng 6 tháng đầu sau khi sinh. Nguyên nhân có thể là do trẻ có bất thường cơ vận động nhãn cầu, bất thường hệ thống vỏ não - thị giác bẩm sinh. Có đến 20% trẻ bị mắt lé bẩm sinh là do di truyền. Bên cạnh đó còn có những nguy cơ khác đến từ việc trẻ nhẹ cân hoặc sinh non.

Nguyên nhân khác

Đây là hiện tượng mắt bị lác thứ phát, bắt nguồn từ các bệnh lý như:

  • Các tật khúc xạ về mắt: Cận, viễn hoặc loạn thị mức độ nặng hoặc bất đồng khúc xạ và được chỉnh kính kính đúng độ, đúng lúc.
  • Bệnh lý khiến mắt bị giảm thị lực: Bệnh đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc hay ung thư nguyên bào võng mạc, các bệnh lý võng mạc khác…
  • Tổn thương não: Vùng sọ mặt bị tổn thương khiến cho cơ vận nhãn bị yếu hoặc liệt, các cơ mắt bám bất thường,... hoặc do gặp các vấn đề như bại não, não úng thủy, u não, hội chứng Down,...
  • Bệnh toàn thân: Đái tháo đường, khối u, Basedow…
  • Môi trường: Mắt lác do phải tiếp xúc với những yếu tố kích thích sự nhìn ở cự ly gần trong thời gian dài.
  • Nhiễm trùng, thuốc.

4. Triệu chứng lé mắt thường gặp

Bệnh mắt lé có thể có những triệu chứng thực thể và chủ quan. Dưới đây là các cách nhận biết mắt lé đơn giản nhất:

Triệu chứng thực thể:

Những người xung quanh nhận thấy người bệnh có mắt bị lệch hoặc người bệnh tự soi gương và nhận thấy.

Triệu chứng chủ quan:

  • Thường xuyên cảm thấy mỏi mắt trong ngày.
  • Khi nhìn bằng mắt lác hình ảnh sẽ mờ hơn so với bên mắt không bị lác.
  • Người bệnh có thể nheo mắt, nghiêng đầu để nhìn rõ hơn.
  • Làm việc không chính xác, hay vấp té khi di chuyển.
  • Nhìn thấy 2 hình ảnh cùng lúc (nhìn song thị), thường xảy ra đối với những người đã hoàn thiện về chức năng thị giác.

Cách kiểm tra: Bạn hãy nhìn tập trung vào 1 vật bất kì, nhờ người thân nhìn vào mắt mình xem có bị lệch sang 1 bên không? Nếu có, rất có thể bạn đã bị mắt lác.

5. Những ai có thể bị mắt lác?

Như đã nói ở trên, nguyên nhân mắt lác có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Vì vậy dù là trẻ sơ sinh hay người lớn ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị bệnh mắt lé.

>>>> Xem thêm: Bệnh mắt lác ở trẻ em và cách điều trị

6. Mắt bị lé ảnh hưởng đến người bệnh thế nào?

Khi bị bệnh mắt lé, người bệnh sẽ bị suy giảm nghiêm trọng về thị lực và thị trường, tâm lý cũng bị ảnh hưởng rất lớn:

Ảnh hưởng về thị lực:

  • Mắt lác nhẹ khiến cho thị lực suy giảm, nếu bị lé mắt trong thời gian dài có thể gây nhược thị sâu.
  • Khi bị lác mắt, thị giác 2 mắt của người bệnh sẽ bị tổn hại. Khi đó người bệnh sẽ bị giảm khả năng nhìn vật theo không gian 3 chiều (khả năng ước lượng khoảng cách: nông sâu, xa gần). 2 mắt không thể nhìn nhận vật thể một cách tinh tế, đầy đủ.
  • Bên mắt bị lé sẽ bị giảm trường nhìn (giảm thị trường)

Ảnh hưởng về tâm lý: Bệnh lé mắt còn gây ra những tác động tiêu cực tới tâm sinh lý người bệnh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Họ sẽ cảm thấy rụt rè, tự ti, ngại giao tiếp, vì vậy việc sinh hoạt, học tập và công việc hàng ngày cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một số biến chứng của bệnh mắt lé: Hạn chế liếc mắt (vận nhãn), lệch đầu vẹo cổ, rung giật nhãn cầu…

 

7. Một số cách điều trị mắt lác hiệu quả

Sau khi đã hiểu được lác mắt là gì, chắc hẳn bạn cũng rất băn khoăn về những phương pháp điều trị căn bệnh này. Để khắc phục tình trạng mắt lác thì việc phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng. Ở trẻ em, điều trị mắt bị lác sớm sẽ bảo toàn chức năng hợp thị của 2 mắt, ngăn ngừa nguy cơ mất thị lực hoàn toàn về sau. Còn đối với người lớn, chỉnh mắt lé sẽ giúp nhìn thẩm mỹ hơn.

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh mà sau khi thăm khám, các bác sĩ có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp điều trị lé mắt khác nhau như:

Các bài tập cơ mắt: Phương pháp này có thể giúp ích đối với người lớn bị lác mắt do suy giảm quy tụ. Đây được hiểu là bệnh lý mà mắt không có khả năng tự điều chỉnh để đọc hoặc làm việc ở khoảng cách gần.

Chỉnh kính: Tất cả các tật khúc xạ ở trẻ nếu không đeo kính sớm có thể gây lác mắt và dẫn đến giảm thị lực. Vì vậy, khi phát hiện trẻ bị tật khúc xạ lác, cần đeo kính đúng độ cho trẻ, đồng thời thường xuyên theo dõi thị lực và tình trạng mắt bị lác của trẻ.

Đôi khi sử dụng kính hai tròng là điều cần thiết để nhìn gần. Phẫu thuật mắt cho trẻ có thể được chỉ định nếu mắt vẫn bị lác đáng kể trong một thời gian dài mặc dù đã đeo kính.

Đeo lăng kính: Khi sử dụng loại kính này, các hình ảnh có thể được sắp xếp lại và cho phép mắt nhìn thấy một hình ảnh duy nhất. Phương pháp đeo kính có lăng kính thường chỉ giúp khắc phục tình trạng song thị mức độ nhẹ.

Phẫu thuật mắt: Đây là phương pháp điều trị lác mắt phổ biến và mang lại hiệu quả cao nhất. Khi phẫu thuật mắt, các bác sĩ có thể lùi cơ – rút cơ hay định vị lại những cơ mắt hoạt động không đúng chức năng, nhờ vậy giúp cho 2 mắt được cân bằng lại để có thể cùng phối hợp hoạt động.

>>>> Xem thêm: Phẫu thuật mắt lác tại Bệnh viện Đa Khoa Mắt Sài Gòn

Như vậy là bài viết trên đây đã giải thích cho bạn khái niệm mắt lé là gì, nguyên nhân mắt bị lé và các triệu chứng, cách điều trị bệnh hiệu quả. Nếu thấy trẻ hoặc người lớn có biểu hiện nhìn lệch, mắt hiếng mắt lé hay thường nghiêng đầu 1 bên khi nhìn vật gì đó,...  bạn hãy liên hệ ngay với Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn để được bác sĩ thăm khám bệnh mắt lác và tư vấn phương hướng điều trị phù hợp nhất.

Bệnh Viện Đa khoa Mắt Sài Gòn

  • Địa chỉ: 473 Cách Mạng Tháng Tám phường 13 quận 10,Thành phố Hồ Chí Minh
  • Điện thoại: 0966 23 1010
  • Email: contact.msgcmtt@matsaigon.com
  • Website: dakhoamatsaigon.com

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN